TPP Agreement

Trò Chuyện Với Phó Trưởng Đoàn Đàm Phán TPP Việt Nam

Những ngày cuối cùng của năm 2015, dù bận nhiều công việc nhưng những người tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn dành thời gian để tham gia các cuộc phổ biến nội dung của TPP cho DN và cả các cơ quan truyền thông từ trong Nam cho đến ngoài Bắc.

Thông thương bằng những con kênh lớn

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Phó Trưởng đoàn đàm phán TPP chia sẻ, trước đây, Việt Nam thường tham gia hội nhập với tư cách “người đến sau”, chọn sân chơi mang tính vừa phải trong khu vực, nòng cốt là ASEAN, tính chủ động trong việc lựa chọn đối tác không có. Tuy nhiên, đến năm 2015 quá trình hội nhập đã có bước thay đổi, phần lớn những Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia đều mang tính chủ động cao trong việc lựa chọn đối tác, sao cho có lợi nhất cho mình. “Khi gia nhập WTO, chúng ta gọi là đi ra biển lớn, có một quy định chung áp dụng cho các nước. Nhưng thời gian gần đây, động lực thúc đẩy thương mại thế giới trong WTO bắt đầu chững lại. Trong nhiều năm qua, hầu như WTO không đưa ra kết quả nào về thúc đẩy thương mại. Vì vậy, các nước có sự suy tính đổi cách chơi mới là hình thành các FTA với quy mô lớn. Thay vì cách chơi ra biển lớn, chúng ta lại đào những con kênh thông thương thị trường với nhau - những con kênh lớn”, ông Thái nói.

“Con kênh” được nhắc đến nhiều nhất, quan tâm nhiều nhất, tác động lớn nhất là TPP bởi đây là Hiệp định có quy mô thương mại, kinh tế chiếm gần 40% GDP toàn cầu, đồng thời là Hiệp định mở tạo tiêu chuẩn mới cho các nước tham gia. TPP là Hiệp định tương đối phức tạp, nội dung cam kết sâu gồm 30 chương khác nhau với nhiều nội dung cụ thể.

Ông Thái nhìn nhận, khi nói đến một FTA, phần đầu tiên người ta nghĩ đến là các nước mở cửa thị trường cho nhau thế nào. Với TPP, nội dung Việt Nam quan tâm nhất là phần mở cửa thị trường hàng hóa. “Đối với các lĩnh vực mở cửa thị trường khác như dịch vụ, đầu tư, mua sắm công…, Việt Nam cũng có những lợi ích nhưng ở mức hạn chế hơn rất nhiều, lợi ích của Việt Nam chủ yếu nằm ở việc các nước mở cửa cho thị trường hàng hóa như thế nào”, ông Thái khẳng định.

Điều gì gây tranh cãi lớn nhất?

Rất nhiều người tò mò muốn biết, nội dung gây tranh cãi lớn nhất trong quá trình đàm phán TPP là gì bởi Hiệp định này có khá nhiều nội dung mới đối với Việt Nam như mua sắm Chính phủ, DN Nhà nước, hay lao động...? Ông Thái cho biết, lao động cũng là lĩnh vực đàm phán tương đối khó khăn. “Hiện Trung ương đang họp và đây là lần đầu tiên Trung ương xem xét một Hiệp định trước khi ký kết và phê chuẩn”. Trong khi các nước TPP không có vấn đề gì bởi TPP chỉ đặt ra tiêu chuẩn đối với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thì riêng Việt Nam có nội dung công đoàn tương đối khác với các nước. Việt Nam chỉ có một tổ chức là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam mà không có nhiều tổ chức lao động như các nước. Cuối cùng, đoàn đàm phán đã đạt được thỏa thuận duy trì cơ chế chỉ có một Tổng Liên đoàn Lao động, tổ chức chính trị - xã hội duy nhất trong nội dung này. Theo đó, Việt Nam cho phép thành lập tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở (tức DN) để người lao động đạt được đàm phán tốt nhất với giới chủ. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề gây tranh cãi lớn nhất.

Theo “tiết lộ” của những người đi đàm phán, nội dung gây tranh cãi lớn nhất của các nước và cũng “thời điểm nút thắt” của TPP là đàm phán về quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có vấn đề bảo hộ đối với dược phẩm bởi đây là mặt hàng cực kỳ nhạy cảm với tất cả các nước. Chính sách tác động đến mặt hàng này có thể tác động đến giá thuốc, từ đó tác động đến quyền tiếp cận thuốc của người nghèo. Vì vậy, đã có sự tranh cãi cao giữa các nước phát triển muốn đặt tiêu chuẩn cao, đặc biệt là trong việc bảo hộ dữ liệu thử nghiệm của dược phẩm đó. “Cuối cùng, chúng ta đạt cam kết hợp lý là duy trì chế độ áp dụng trước đây đã bảo hộ trong FTA song phương với Mỹ. Nhưng tới đây khi kinh tế phát triển, 15 năm nữa chúng ta mới phải thực thi tiêu chuẩn cao hơn”, ông Thái khẳng định.

Đặc biệt, ở gần vòng đàm phán cuối cùng, riêng chương sở hữu trí tuệ có trên 100 vấn đề chỉ có Việt Nam “vướng”, trong đó có nhiều vấn đề liên quan cách làm của chúng ta tương đối khác. Ví dụ, mảng lớn nhất là xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ như thế nào. Trước đây chúng ta hay dùng công cụ hành chính, rất ít khi vi phạm sở hữu trí tuệ đưa ra tòa, thậm chí có những trường hợp thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vào kiểm tra phần mềm DN có vi phạm bản quyền hay không và phạt tại chỗ. Cách làm của chúng ta tiện, nhanh song không có quy trình để các bên tranh tụng như tại tòa án. Do vậy, với TPP chúng ta sẽ phải thay đổi để phù hợp với cách làm chung.

Dệt may “ẵm” thêm 250 triệu USD

Trong lĩnh vực hàng hóa, dệt may là mối quan tâm rất lớn của Việt Nam, thậm chí nhiều người còn đánh giá đây là lợi ích cốt lõi của Việt Nam khi tham gia TPP. Chẳng thế mà trong TPP có riêng một chương về dệt may. Tuy nhiên, XK dệt may của Việt Nam hiện đang bị các nước đánh thuế rất cao. Ví dụ như thị trường Mỹ, XK dệt may sang Mỹ mỗi năm phải đóng tới 1,4 tỷ USD tiền thuế NK, chưa kể mặt hàng giày dép phải đóng hơn 300 triệu USD. Như vậy, chỉ riêng 2 mặt hàng này tiền thuế mà DN Việt Nam phải đóng cho Mỹ đã lớn hơn cả tiền thuế tất cả các nước tham gia TPP phải đóng khi XK vào Mỹ, dù họ còn XK nhiều hơn Việt Nam. Chính vì vậy, trong quá trình đàm phán, đoàn đàm phán quyết tâm bãi bỏ rào cản này để Mỹ đưa thuế dệt may về 0% thay vì mức thuế trung bình trên 17% như hiện nay. Song đổi lại, Mỹ cũng có quan ngại, e sợ hàng dệt may lấy nguồn từ nguồn khác vào Việt Nam, nhất là những nước láng giềng nên họ muốn có quy tắc xuất xứ chặt. Theo đó, Việt Nam phải làm được hàng dệt may từ sợi trở đi nếu muốn được hưởng ưu đãi thuế. “Tất nhiên, cũng có một số linh hoạt chúng ta đàm phán được với một số sản phẩm mà trong TPP có nguồn cung thiếu hụt có thể NK”, ông Thái cho hay.

Có một thông tin đáng chú ý của ngành dệt may có lẽ không phải ai cũng được biết nếu không có sự chia sẻ của ông Lương Hoàng Thái: “Giai đoạn kết thúc đàm phán cuối cùng TPP, anh em trong đoàn đàm phán tưởng là kết quả rất tốt rồi, tiết kiệm 850 triệu USD thuế dệt may trên tổng số 1,4 tỷ USD tiền thuế Mỹ thu hàng năm. Tuy nhiên, khi mang kết quả về, Thủ tướng bảo không được, rồi “gọi” Đại sứ Mỹ lên và “kéo” Tổng thống Obama ở Hội nghị ASEAN để... đấu tranh. Cuối cùng, chúng ta thỏa thuận thêm 250 triệu USD, tức là tiết kiệm cho dệt may 1,1 tỷ USD và kết thúc đàm phán thành công”.

Có thể thấy, TPP kết thúc đàm phán là nỗ lực của tất cả các bên tham gia, đặc biệt là vòng đàm phán cuối cùng tại Hawaii (Mỹ) với những thỏa thuận nói trên đạt được vào phút chót. Cảm xúc của ông Thái khi nói về TPP có lẽ cũng là cảm xúc của nhiều người đã từng tham gia đàm phán: “Với những người làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, trong năm 2015 có rất nhiều kỷ niệm, trong đó có những kết quả ghi dấu ấn chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ. Đây là những kỷ niệm chưa bao giờ trong đời được chứng kiến!”.